top-banner-miss-charm-2023

Giải trí Thứ năm, 23/05/2024, 15:13 GMT+7
Luật sư Trương Thị Hòa: “Nghề luật sư không giúp chạy tội, chạy án”

Trong tập 91 Kính Đa Chiều, luật sư Trương Thị Hòa tiết lộ luật sư cũng có lời tuyên thệ khi vào nghề như ngành y, tuy nhiên hiện nay Việt Nam chưa có lời tuyên thệ chính thức. Dẫu vậy, luật sư vẫn phải tuân thủ các quy tắc đạo đức và cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất cho khách hàng.

luat-su-truong-thi-hoa-

Mở đầu chương trình Kính Đa Chiều, luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết nếu như ngành y có lời thề Hippocrates thì ngành luật cũng có lời tuyên thệ tương tự như thế. Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng yêu cầu luật sư phải tuyên thệ trước quốc huy. Trong đó, Việt Nam hiện nay không có lời tuyên thệ chính thức cho luật sư.

Điều này dẫn đến sự khác nhau khi hành nghề của luật sư giữa các quốc gia. Cụ thể, luật sư ở quốc gia này không thể ra tranh tụng trước tòa án của quốc gia khác, mà chỉ có thể hỗ trợ tư vấn. Tuy nhiên, dù không có lời tuyên thệ chính thức, luật sư vẫn có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và đây được xem như một lời tuyên thệ của luật sư.

Theo luật sư Trương Thị Hòa, trong lời tuyên thệ Hippocrates có đoạn thề rằng sẽ cung cấp cho bệnh nhân phương thức điều trị bệnh tốt nhất trên cơ sở kiến thức, năng lực của bác sĩ thì người luật sư cũng tương tự. Luật sư cũng phải tự thề rằng cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất cho khách hàng dựa trên cơ sở kiến thức, năng lực của bản thân. Do đó, luật sư luôn phải nâng cao kiến thức, kỹ năng để đưa ra giải pháp tốt nhất cho khách hàng.

Khi đạo diễn Lê Hoàng hỏi về nhiệm vụ của luật sư bảo vệ công lý hay bảo vệ thân chủ, luật sư Trương Thị Hòa giải thích cả hai nhiệm trên tuy hai mà một, tuy một mà hai. Bà giải thích: “Vì khách hàng tìm công lý trong hành vi của họ nên luật sư phụng sự công lý là tìm ra lời đáp, sự thật trong vụ việc của thân chủ để đưa ra lời khuyên hợp lý trong hoàn cảnh pháp lý như vậy”. Điều này cho thấy nhiệm vụ của luật sư không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ thân chủ mà còn góp phần vào việc bảo vệ và phụng sự công lý. Công lý không thể được bảo vệ chỉ bởi một mình luật sư mà cần sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau trong hệ thống tư pháp.

Đạo diễn Lê Hoàng nhận định, hiện nay nhiều người cho rằng “dịch vụ pháp lý” mang tính chất kinh doanh và lợi nhuận, và như vậy có va chạm về đạo đức của nghề luật sư hay không? Luật sư Trương Thị Hòa khẳng định rằng: “Nghề luật sư không đơn thuần là kinh doanh mà có đạo lý và điều cao quý trong đó”. Nữ luật sư giải thích rằng cung cấp dịch vụ pháp lý không chỉ là cung cấp một dịch vụ mà còn là cung cấp điều hay lẽ phải, một kết quả đúng mực. Bà giải thích: “Có người nói rằng luật sư nhận tiền tư vấn là “kinh doanh lời khuyên” nhưng chúng tôi lại nói tư vấn là thêm sức. Khi khách hàng đến, luật sư tư vấn phân tích để khách hàng hiểu rõ. Do đó, nhiệm vụ của luật sư là giúp khách hàng hiểu được cần phải làm gì trong tình huống đó”.

Luật sư Trương Thị Hòa tiết lộ khi giảng dạy cho sinh viên, bà thường giảng rằng tư vấn có 4 chữ T: Tiến trình, Tương tác, Thấu hiểu, và Tự quyết. Theo nữ luật sư, tiến trình là thời gian cần thiết để tương tác, trao đổi và thấu hiểu giữa luật sư và khách hàng. Từ đó, luật sư đưa ra lời khuyên để khách hàng tự quyết định. Nhiệm vụ của luật sư là phân tích để khách hàng hiểu và tự quyết trong hoàn cảnh của bản thân. Nói cách khác, luật sư tư vấn đúng mực để khách hàng có thêm cách giải quyết vấn đề.

Trước thắc mắc của host chương trình về quan điểm “Luật sư là người giúp thân chủ chạy tội, chạy án”, luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh: “Nếu chạy tội, chạy án thì quan điểm đó không đúng. Đến luật sư để luật sư làm rõ hành vi phạm tội, làm rõ sự việc, mang đến một kết quả đúng với tình huống, hoàn cảnh đó thì đấy là điều đúng của nghề nghiệp luật sư”.

Với kinh nghiệm thâm niên trong nghề, luật sư Trương Thị Hòa tiết lộ có nhiều luật sư cay mắt vì thành công nhưng cũng có nhiều trường hợp luật sư cay mắt vì bất thành. “Luật sư nhìn về một hướng, bên kia cũng nhìn về một hướng, tòa ở giữa để nhìn cả hai hướng như thế nào. Tất nhiên có những trường hợp luật sư thấy phải như vậy nhưng bàn tay không che được mặt trời”, luật sư Trương Thị Hòa bày tỏ. Với những trường hợp bất thành, luật sư Trương Thị Hòa an ủi rằng bản thân đã làm hết sức và vẫn cố gắng giúp khách hàng trong phiên phúc thẩm hay tái thẩm. “Nếu người ta vướng tù tội thì khuyên người ta cố gắng để giảm thời gian chấp hành hình phạt để về sớm”, luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Sản xuất phim chiếu rạp với sự tham gia của host Minh Đức và ca sĩ Ưng Hoàng Phúc sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 23/5 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

Hà Phương

*Theo Ấn phẩm Lăng kính Người nổi tiếng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

bia-kndn

hoa-moc-thien

moc-beauty

miss-charm

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp