Cỏ nhân tạo có chứa chất gây ung thư? |
Một nghiên cứu mới của Đại học Yale (Mỹ) đã kết luận cỏ nhân tạo có chứa chất gây ung thư do được làm từ hạt cao su tái chế từ lốp xe. Tại Việt Nam, cỏ nhân tạo được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như trang trí sân vườn, làm bề mặt sân bóng, khu vui chơi, thậm chÍ nhiều người còn làm thảm lót bàn ăn, lót nền nhà… Trào lưu cỏ nhân tạo 9 giờ sáng Chủ nhật, tại CLB bắn súng sơn ở Q.10, TP.HCM, hàng chục đứa trẻ đang say sưa trườn, bò, nằm rạp người xuống mặt cỏ tham gia tác chiến. Bề mặt sân bắn được làm bằng cỏ nhân tạo nên nhiều em không mang giày để cảm nhận được sự êm ái. Còn tại CLB bắn súng sơn trên địa bàn Q.Tân Phú, không chỉ lót cỏ nhân tạo, sân còn được phủ một lớp hạt cao su rất dày để tránh chấn thương cho người chơi. Giám sát viên tại CLB này cho biết, khi chơi bắn súng, người chơi phải chạy, di chuyển liên tục không thua gì cầu thủ bóng đá nên rất dễ trượt ngã, chấn thương. Việc phủ hạt cao su dày ngoài giúp bề mặt cỏ được đệm êm còn làm giảm trầy xước cho người chơi khi té ngã. Cỏ nhân tạo có chứa chất gây ung thư do được làm từ hạt cao su tái chế từ lốp xe Toàn bộ khu sân tại một trường mầm non trên đường Trần Văn Trà (Q.7, TP.HCM) rợp một màu xanh trông rất bắt mắt và sạch sẽ. Ngoài cỏ thật, những khu trẻ vui chơi, chạy nhảy nhiều như khu sân bóng, khu cầu tuột, xích đu… được ưu tiên lót cỏ nhân tạo. Không chỉ trẻ mới trườn, bò dưới sân mà ngay cả phụ huynh đi đón trẻ cũng tranh thủ ngồi xuống những thảm cỏ êm ái này. Tại khu vui chơi trên đường Hoàng Diệu (Q.4, TP.HCM), rất nhiều diện tích được lót bằng cỏ nhân tạo. Do nhiều bé còn nhỏ nên sau khi tham gia một số trò chơi như đánh golf, đá bóng… đều nằm “lăn quay” ra sân cỏ đùa nghịch. Hiện rất nhiều trường mầm non, tiểu học, trường quốc tế, khu trò chơi thay vì trồng cỏ thật đều thi nhau lót cỏ nhân tạo cho sạch, đẹp, đỡ tốn công chăm sóc. Chị Thu (ngụ Q.1, TP.HCM) cho biết, khi lựa chọn trường học hoặc khu vui chơi cho con, chị thích những nơi được lót bằng cỏ nhân tạo vì vừa sạch, vừa an toàn cho trẻ. Hiện tại, trong gia đình chị, một số vị trí trẻ nhỏ thường chạy nhảy dễ té ngã, hay trong nhà vệ sinh đều được lót cỏ nhân tạo để phòng… tai nạn. Không riêng chị Thu, hiện cỏ nhân tạo đang là xu hướng lựa chọn của những gia đình muốn tìm về màu xanh thiên nhiên. Nhiều công ty có hẳn các dịch vụ lót cỏ nhân tạo tại nhà dù diện tích lớn hay nhỏ như ốp vào các chậu kiểng, thảm bàn ăn, kệ để dép, máy giặt, tấm lót chân trên xe tay ga… Tại một công ty chuyên bán cỏ nhân tạo trên đường Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), người bán cho biết tùy theo chiều cao cỏ, khoảng cách hàng, số mũi khâu, trọng lượng cỏ mà có giá khác nhau, dao động từ 110.000- 225.000đ/m2 . Cỏ nhân tạo quan trọng nhất là lớp đế, thường có ba lớp: bạt nhựa, bông ép, keo hóa chất bảo vệ chân cỏ dính vào lớp bạt nhựa. Sản phẩm ở đây, từ bạt đến cỏ đều làm bằng nhựa PP (polypropylene) nguyên chất chứ không phải tái chế, keo dán đều đạt chuẩn ISO. Nếu cỏ để thiết kế trên tường, làm cảnh thì không cần rắc hạt cao su, còn lót sân bóng, khu vui chơi cho trẻ nên rắc cao su để tạo đàn hồi, giảm chấn thương, cho cỏ thẳng đứng tự nhiên. Hạt cao su có nhiều màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng), giá 5.000đ/kg. Theo người bán, hạt cao su là nguyên liệu đứng thứ hai sau cỏ, ảnh hưởng lớn tới chất lượng của sân. Đó là những hạt được băm, nghiền hay ép vỡ từ lốp xe cũ, cao su phế liệu từ các nhà máy. Dù người bán khẳng định sản phẩm đã được tách lọc các kim loại nặng, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn nhưng chỉ đựng trong túi ni lông trắng không nhãn mác. Cỏ nhân tạo ngày càng được ứng dụng nhiều trong các trường mầm no, khu vui chơi và trang trí trong nhà - Ảnh minh họa Hạt cao su trong cỏ nhân tạo chứ nhiều hóa chất Sau khi nhận được vô số yêu cầu và lo lắng về việc trẻ em thường xuyên tiếp xúc với hạt cao su ở các khu vui chơi, công viên giải trí, sân thể thao sử dụng cỏ nhân tạo khắp nước Mỹ và tỷ lệ người Mỹ mắc ung thư khi chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo tăng cao, các cơ quan chức năng nước này đã mở cuộc điều tra. Một nửa hợp chất được tìm thấy trong các hạt cao su làm từ lốp xe tái chế được xếp vào hàng độc hại vì chứa một số hóa chất gây ngộ độc như asen, chì và admium, có thể gây ra hàng loạt các bệnh về đường hô hấp, hen suyễn, thậm chí ung thư. Chính vì thế, trên bao bì các gói hạt cao su có ghi rõ các công nhân nên đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc trực tiếp với các hạt này. Ngoài ra, theo một nghiên cứu ở Mỹ năm 2014, các hydrocarbon đa vòng tìm thấy trên sân cỏ nhân tạo cũng là tác nhân gây ung thư. Tiến sĩ Gaboury Benoit - giảng dạy tại Đại học Yale và là trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: “Lốp xe là rác thải độc hại. Tôi lấy làm bất ngờ khi chúng lại được tận dụng và tái chế thành các sản phẩm tiêu dùng và như vậy, chúng không còn bị gắn mác rác thải độc hại nữa”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, thủ môn nghiệp dư Robbie Jones (30 tuổi, chơi bóng ở các sân cỏ nhân tạo tại Cardiff ba lần một tuần bị phát hiện ung thư cách đây một năm) chia sẻ: “Chúng ta không nên tiếp tục xây dựng những sân cỏ nhân tạo khi chưa biết chắc chúng có an toàn hay không. Khi các sân đón tiếp cả những cầu thủ nhí, tôi nghĩ các bậc cha mẹ nên cân nhắc kỹ về việc có nên cho con em mình tới đó chơi bóng hay không”. Trước đó, trong một nghiên cứu của Đại học Washington, có tới 124 cầu thủ bóng đá được chẩn đoán bị ung thư hoặc có nguy cơ ung thư cao, 85 người trong đó từng là thủ môn. Tất cả 124 cầu thủ trên đều từng chơi trên những sân thể thao được phủ bằng lớp cỏ nhân tạo. Theo TS Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM, không chỉ hạt nhựa trên cỏ nhân tạo có chứa nhiều chất độc hại mà ngay cả cọng cỏ, lớp bạt bằng nhựa dưới chân cỏ (cũng được tái chế từ vỏ xe), keo dính… tùy theo nguyên liệu là nhựa nguyên chất hay nhựa tái chế mà chứa các chất như phthalates, cacbon, nhựa, benzen, hợp chất PAHs (hữu cơ thơm ngưng tụ đa vòng). Trong đó, đặc biệt nguy hiểm là phthalates, do không tạo bất kỳ liên kết hóa học nào với nhựa nên các chất này rất dễ thoát ra ngoài sản phẩm nhựa chứa chúng để đi vào môi trường, cơ thể người, động vật, đặc biệt là khi sản phẩm nhựa bị lão hóa do thời gian sử dụng lâu hoặc do sự tác động của các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ánh sáng…). Sân cỏ nhân tạo tiếp xúc trực tiếp nhiều với ánh nắng thì nguy cơ sản sinh ra chất phthalates càng cao. Phthalates đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em và phụ nữ có thai do có thể làm tăng các nguy cơ về sức khỏe: ung thư vú, gây rối loạn nội tiết, rối loạn sinh sản, rối loạn chuyển hóa, có thể gây sẩy thai, quái thai, sinh non, sinh non nhẹ cân, gây rối loạn hormon giới tính (làm trẻ em dậy thì sớm). Khi chơi trên sân, các hóa chất độc hại này dính lên da, theo đường từ tay vào miệng hoặc theo các vết thương đi vào cơ thể. Theo Phunuonlie.com.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|