Người dân miền Tây Nam Bộ có tỷ lệ đái tháo đường cao nhất nước |
Đó là thông tin được đưa ra tại mít tinh: “Hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới năm 2017 và Hội thi Dinh dưỡng điều trị đái tháo đường diễn ra sáng nay (10.11) tại TP.HCM. Theo thống kê của Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF), hiện thế giới có trên 415 triệu người trưởng thành bị đái tháo đường, trong đó có 193 triệu người không biết mình mắc bệnh trên. Đặc biệt thống kê của IDF cũng cho thấy có đến 318 triệu người trưởng thành trên thế giới đang có nguy cơ chuyển sang đái tháo đường vì đây là những người bị rối loạn dung nạp đường. Chính những nguy cơ trên nên IDF dự kiến đến năm 2040 thế giới sẽ có khoảng 642 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Ảnh minh họa Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, căn bệnh đái tháo đường tại Việt Nam trong những năm qua đã tăng lên một cách chóng mặt. Chỉ trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tăng gấp 2 lần từ 2,7% năm 2002 đến nay đã tăng lên đến 5,4%. Các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân chính khiến người dân Việt Nam mắc đái tháo đường ngày càng tăng cao là do thay đổi lối sống, sự đa dạng và dễ tiếp cận các thực phẩm giàu năng lượng, giàu chất béo, cùng với đó là sự gia tăng tuổi thọ, tác động của đô thị hóa, toàn cầu hóa, thiếu kiến thức, thiếu nhân lực và kinh phí. Một kết quả điều tra mới nhất của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy tỷ lệ đái tháo đường của người dân Việt Nam là 5,4% . Trong đó, khu vực có tỷ lệ đái tháo đường cao nhất là Tây Nam Bộ, chiếm đến 7,2% dân số; thấp nhất là các tỉnh Tây Nguyên chiếm tỷ lệ 3,8% dân số. Riêng tại TP.HCM, qua kết quả nghiên cứu của Trung tâm dinh dưỡng TP cho biết số người trưởng thành (30 đến 69 tuổi) mắc đái tháo đường chiếm 11,4%, tỷ lệ rối loạn chuyển hóa đường là 31,1%. Dù từ năm 2003 chương trình đái tháo đường được triển khai ở TP đã tập trung tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho người dân về dinh dưỡng, vận động dự phòng các yếu tố nguy cơ... đặc biệt là tập huấn cán bộ y tế nhưng theo đánh giá của bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, kiến thức về dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường của nhân viên y tế, nhất là y tế cơ sở còn rất kém, thậm chí nhiều nhân viên y tế còn hiểu sai. Điều này sẽ khiến việc tư vấn, điều trị bệnh nhân mắc đái tháo đường không hiệu quả. "Cái chính của điều trị đái tháo đường là chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo kiểm soát đường huyết, tránh tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này. Chính vì thế lần này chúng tôi đã tổ chức “Hội thi dinh dưỡng và điều trị đái tháo đường” dành cho các nhân viên y tế ở 51 bệnh viện và trung tâm y tế. Qua đó giúp những nhân viên y tế ở cả hệ dự phòng và điều trị củng cố kiến thức về dinh dưỡng, vận động, phòng ngừa và điều trị đái tháo đường”, bác sĩ Diệp nói. Theo Hồ Quang - Motthegioi.vn - 10/11/2017 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|