Sau thép, lại đến cá tra lo mất thị trường Mỹ |
Theo mức thuế mới này, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1.8.2015 đến 31.7.2016) với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1.8.2015 đến 31.7.2016) với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay. Theo quyết định này, 9 doanh nghiệp Việt Nam sẽ nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức 3,87 USD/kg, gồm: Godaco, Caseamex, Cuu Long Fish, Dai Thanh Seafoods, Green Farms, Hung Vuong Group, NTSF Seafoods, Southern Fishery, Vinh Quang Fisheries. Mức thuế này đã cao hơn 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9.2017, cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) trước đó. Không những vậy, phía Mỹ còn áp mức thuế chống bán phá giá cao ngất ngưởng đối với hai doanh nghiệp là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods với mức tới 7,74 USD/kg. Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến nay, chưa từng xảy ra trong lịch sử áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với Việt Nam. Mức thuế 7,74 USD/kg cao hơn 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó, cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 trước đó mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu. Trước quyết định trên từ DOC, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá nếu phải chịu mức thuế này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong thời gian sắp tới. Bởi mức thuế này quá cao, gây "cú sốc" lớn cho doanh nghiệp. Mức thuế 3,78 USD/kg gần tương đương với giá cá tra đang xuất khẩu vào Mỹ hiện tại. "Động thái trên của DOC đã có những điều chỉnh hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua các quy định thông thường từ trước đến nay khi đưa ra quyết định sơ bộ. Cụ thể, DOC đã dùng mức thuế tính theo AFAs để tính mức thuế trung bình cho các công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ khác trong khi các công ty này đã cung cấp đầy đủ hồ sơ dữ liệu theo đúng thời hạn và yêu cầu của DOC", Tổng thư ký VASEP cho hay. Ông Hòe cho biết hiện nay các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn đang phân tích tình hình và động thái từ phía DOC để có những phản ứng hợp lý tới đây. VASEP thời gian gần đây cũng cho biết một số doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã tính đến việc chuyển hướng khai thác sang các thị trường khác như: châu Âu, Trung Quốc... Đặc biệt là Trung Quốc, dự kiến đây sẽ là thị trường tăng tiêu thụ cá tra, thay thế Mỹ. Năm 2017, xuất khẩu cá tra đạt 1,78 tỉ USD, tăng 4,3% so với năm 2016. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang hai thị trường Mỹ và EU giảm tiếp trong tháng 12.2017 lần lượt 26%, 24% kéo tổng giá trị xuất khẩu cả năm giảm 11% và 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông trong năm qua đạt 410,8 triệu USD, tăng 34,8% so với năm 2016, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 3 quý đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng trưởng rất mạnh, trung bình từ hai con số. Tính riêng tháng 12.2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. "Là một năm dự báo với tình hình sản xuất nguyên liệu không ổn định, giá cá nguyên liệu trong nước có thể tăng cao trong khi khó tăng giá xuất, có nhiều khả năng trong năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt khoảng 1,85 tỉ USD", VASEP dự báo. Theo Tuyết Nhung/ motthegioi.vn - 19/3/2018 link nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/sau-thep-lai-den-ca-tra-lo-mat-thi-truong-my-84141.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|