top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ hai, 14/05/2018, 16:34 GMT+7
Sẽ giảm 5 năm thu giá BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, với lưu lượng xe lớn nhất cả nước nên việc thu giá BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được tính toán lại, giảm 5 năm thu phí so với dự tính trước đây. 

giam-5-nam-thu-gia-bot-phap-van-cau-gie-wshowbiz

Một đoạn Dự án đầu tư nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đang được triển khai, thi công - Ảnh: Bộ GTVT

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, với lưu lượng xe lớn nhất cả nước nên việc thu giá BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được tính toán lại, giảm 5 năm thu phí so với dự tính trước đây.

Ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài gần 30km, điểm đầu Km 182+300 tại nút giao Pháp Vân, điểm cuối tại Km 211+256 (Km 211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình).

Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu gần 7.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 gần 2.000 tỉ đồng và giai đoạn 2 gần 5.000 tỉ đồng. Các nhà thầu đang tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công hạng mục đường gom cả hai bên tuyến tại những vị trí đã được bàn giao công địa.

Tuy nhiên, trên tuyến chính của dự án vẫn tồn tại nhiều khu vực mặt đường chỉ có 4 làn xe, chưa mở rộng lên 6 làn và đang phải rào chắn vì chờ mặt bằng thi công. Các phương tiện lưu thông qua đây liên tục phải giảm tốc độ, nhiều khi phải phanh gấp. Điển hình là khu vực tuyến cao tốc đi qua địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội), cứ vài km lại xuất hiện một biển cảnh báo: “Đoạn đường đang chờ GPMB (giải phóng mặt bằng)”.

Trên quãng đường gần 30km của dự án có hơn 10 vị trí phải cắm biển báo hiệu. Trong đó, khu vực tuyến từ Km192 - Km193, một bên đường thuộc xã Liên Phương, bên kia thuộc xã Hà Hồi (huyện Thường Tín) còn tồn tại phần mặt bằng chưa bàn giao cho dự án dài nhất với hơn 1km, hàng chục nhà dân kèm phần đất thổ cư vẫn chưa được giải tỏa.

Tương tự, trên địa bàn qua khu vực 2 huyện Thanh Trì và huyện Phú Xuyên, mặt đường tại một số vị trí vẫn chưa được mở rộng lên 6 làn vì vướng đất nông nghiệp, đất ở của người dân hai bên đường.

Các vị trí còn vướng mặt bằng tương đương 11 điểm hẹp trên tuyến, thuộc địa phận 3 huyện: Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên. Trường hợp khả thi nhất, phần mặt bằng được bàn giao toàn bộ trước 30.6.2018, dự án chỉ có thể kết thúc sớm nhất phần xây lắp vào cuối năm 2018, bởi các đoạn vướng mặt bằng hầu hết là những vị trí cần phải xử lý nền đất yếu và tường chắn, đường gom nên thời gian thi công kéo dài.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ nhìn chung vẫn còn chậm do nhiều nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm thuộc về các cơ quan, đơn vị liên quan. Trong đó có việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa tốt, chậm bàn giao mặt bằng, chưa giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, công tác tái định cư, xây dựng khu tái định cư thực hiện chưa tốt...

Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung hoàn chỉnh các khu tái định cư cho người dân; chính quyền địa phương tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trong đền bù; quan tâm công tác triển khai xây dựng đường dân sinh, đường gom.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, với lưu lượng xe lớn nhất cả nước nên việc thu giá BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được tính toán lại, giảm 5 năm thu phí so với dự tính trước đây. Như vậy, việc thu giá thu hồi vốn đầu tư dự án này sẽ giảm từ 17 năm xuống còn 12 năm.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhiều sai phạm tại dự án này, đặc biệt là việc chỉ thảm lại mặt đường nhưng thu phí bằng đường cao tốc mới.

Về phương án thu phí, Thanh tra Chính phủ khẳng định Bộ Giao thông vận tải duyệt phương án thu phí theo phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn không hợp lý. Bộ này đã phê duyệt thay đổi cơ bản thiết kế cơ sở giai đoạn 1, bỏ lớp cấp phối base bù vênh và thay hoàn toàn bằng bê tông nhựa tăng cường mặt đường dẫn đến tăng chi phí 25 tỉ đồng. Áp dụng đơn giá đất đắp chưa đúng khu vực theo thông báo giá dẫn đến phê duyệt tổng mức đầu tư tăng sai trên 21 tỉ đồng.

Việc thu phí ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 thảm lại mặt đường hiện hữu với vốn đầu tư chỉ là 1/3 tổng vốn dự án, nhưng giá thu phí tương đương Dự án đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình là bất hợp lý và không tuân thủ nguyên tắc phải đảm bảo lợi ích nhà đầu tư, người tham gia giao thông và Nhà nước quy định Nghị định số 108/2009.

“Dự án mới đầu tư giai đoạn 1 (sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ), vốn đầu tư chỉ là 30% của dự án nhưng giá thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ-Ninh Bình (1.500 đồng/km) là bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân” - kết luận khẳng định.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt và triển khai thực hiện dự án đã không lường hết những bất cập về hệ thống thu phí, dẫn đến bất hợp lý khi kết nối với tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, gây bất tiện cho người tham gia giao thông và ùn tắc cục bộ nghiêm trọng tại các thời điểm mật độ giao thông cao. Nay buộc phải khắc phục thay thế bằng phương án thu phí tự động và bỏ trạm thu phí Đại Xuyên.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc Bộ GTVT xác định tính cấp bách của dự án còn thiếu cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ phương án chỉ định nhà đầu tư và việc không thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục đầu tư dự án BOT theo hướng dẫn tại Nghị định 108/2009 của Chính phủ, dẫn đến thông tin về dự án được công bố chưa thực rộng rãi, minh bạch, kịp thời để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thuận tiện, bình đẳng.

Theo Lam Thanh/motthegioi.vn - 14/5/2018

Link nguồn:  http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/se-giam-5-nam-thu-gia-bot-phap-van-cau-gie-87992.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

kndn

bhql2024

moc-beauty

hoa-moc-thien

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp