Tối ưu hóa công tác quản lý thuế trong thương mại điện tử |
Việc thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng ngành Thuế vẫn đối mặt với các thách thức lớn như: Việc định danh và xác thực tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT còn nhiều hạn chế, thông tin, chia sẻ dữ liệu chưa đầy đủ, đòi hỏi cơ quan quản lý phải tối ưu hóa quản lý thuế và kế hoạch tương lai. Cần tối ưu hóa công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử Phối hợp chặt chẽ giữ cơ quan thuế và các sàn thương mại Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Triển khai quy định tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ, đến nay, sau 8 kỳ cung cấp thông tin (từ quý 4/2022 đến quý 3/2024), Cổng thông tin TMĐT đã ghi nhận 439 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin với dữ liệu của của gần 725 nghìn bản ghi về hoạt động kinh doanh của các gian hàng trên sàn với số lượt giao dịch là 5.401 triệu lượt và tổng giá trị giao dịch là 75.137 tỷ đồng. Thông qua dữ liệu do Sàn TMĐT cung cấp, Tổng cục Thuế đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tập trung về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, trên cơ sở đó, phân quyền khai thác về cho các cơ quan thuế địa hương phục vụ công tác quản lý thuế. Trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) và sự hiện diện của hàng loạt sàn TMĐT bán lẻ trong nước cùng cuộc đổ bộ của các sàn xuyên biên giới và các nhà cung cấp hoạt động kinh doanh TMĐT, nền TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Bộ Công Thương cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam đạt mức tăng trưởng 18 - 25% mỗi năm. Thông tin do các sàn cung cấp đã hỗ trợ tốt cho cơ quan thuế trong việc định danh, xác định doanh thu hoạt động kinh doanh TMĐT của nhiều tổ chức, cá nhân, đã phát huy hiệu quả tích cực trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên vẫn còn một lượng lớn dữ liệu chưa đầy đủ thông tin để định danh cá nhân như: chưa có mã số thuế (MST), CMND, CCCD, chưa có thông tin đầy đủ về địa chỉ liên hệ, số điện thoại… Điều này cũng gây khó khăn cho cơ quan thuế trong quá trình liên hệ, làm việc, hỗ trợ người nộp thuế. Để lắng nghe các khó khăn của các sàn trong việc cung cấp thông tin, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với một số sàn và sẽ thực hiện hỗ trợ trực tiếp sàn cung cấp lại thông tin đảm bảo đúng quy định tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn - Ảnh: VGP/HT Kế hoạch tối ưu hóa công tác quản lý thuế trong thương mại điện tử Lãnh đạo Tổng cục Thuế chia sẻ: Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, nội dung sửa đổi Luật Quản lý thuế quy định: "Đối với hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trường hợp hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế". Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn kỳ vọng: Quy định này được thông qua sẽ góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế cơ bản khắc phục được những khó khăn như đã nêu trên. Với quy định này, thay vì hàng trăm nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch TMĐT khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ qua đó góp phần giảm chi phí chuẩn bị hồ sơ, chi phí nộp hồ sơ, cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tại Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về phạm vi trách nhiệm và cách thức các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý nền tảng số và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của các hộ, cá nhân; về hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế của các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số. Để đảm bảo hiệu quả việc triển khai quy định tại Luật đã được thông qua, Tổng cục Thuế đã tổ chức làm việc trực tiếp với các sàn TMĐT lớn để trao đổi về phương án triển khai quy định tại Luật. "Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hiệp hội TMĐT, các sàn TMĐT, Tổng cục Thuế đang rà soát, nghiên cứu báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ các nội dung cần quy định tại Nghị định để đảm bảo triển khai quy định tại Luật được hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sàn TMĐT và cả cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế với ngân sách nhà nước", lãnh đạo ngành thuế thông tin. Mới đây, khi giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận thảo luận ở hội trường Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan thuế sẽ có thêm công cụ mới để kiểm soát doanh thu, mua bán trên các sàn TMĐT. Ngành thuế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc kiểm soát doanh thu thuế với các sàn TMĐT, nhất là các sàn xuyên biên giới. Đây là một trong những giải pháp nhằm chống thất thu thuế qua kênh này. Việc cơ quan thuế linh hoạt, thay đổi cách thức quản lý và có thêm những công cụ mới trong kỷ nguyên số nhằm tăng cường quản lý, giám sát để chống thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT được cho là bước tiến mới của ngành thuế. (nguồn: baochinhphu.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|