top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ năm, 15/08/2024, 15:45 GMT+7
Xuyên đêm kiểm tra chợ đầu mối Thủ Đức, phát hiện nhiều lỗ hổng quản lý

"Chợ đầu mối khẳng định quy trình nhập hàng đều được quản lý, đăng ký, tiểu thương đều niêm yết, ghi chép xuất xứ tất cả hàng hóa… nhưng kiểm tra thực tế tới đâu có sai sót tới đó. Vậy là chúng ta đang quản lý cái gì?".

xuyen-dem-kiem-tra-cho-dau-moi-thu-duc-phat-hien-nhieu-lo-hong-quan-ly

Đoàn khảo sát có sự tham gia của đại diện nhiều sở, ngành - Ảnh: N.TRÍ

Ông Nguyễn Minh Nhựt, phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, nhận định tại buổi khảo sát công tác quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức), diễn ra khuya 14 rạng sáng 15-8. Buổi khảo sát do đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM chủ trì, với sự tham gia của nhiều sở, ngành.

Còn sai sót, lỗ hổng trong quản lý nguồn gốc

Phát biểu tại buổi khảo sát, ông Nhựt đặt vấn đề: chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chỉ quản lý đơn thuần 1.424 ô vựa hay quản lý, giám sát các hoạt động của các ô vựa này? 

Bởi theo ông Nhựt, chợ khẳng định quản lý tốt nguồn gốc nhưng thực tế đoàn kiểm tra tới đâu thì gần như có sai sót, lỗ hổng tới đó, việc ghi chép, truy xuất nguồn gốc của thương nhân còn sơ sài, chưa đầy đủ.

"Đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói ra sự thật, nếu chợ muốn phát triển. Các đồng chí không giấu được đâu, chúng ta biết hết", ông Nhựt nêu quan điểm.

Ông Cao Thanh Bình (áo dài tay) kiểm tra khâu ghi chép, quản lý nguồn gốc hàng hóa tại chợ đầu mối Thủ Đức - Ảnh: N.TRÍ

Tại buổi khảo sát, đoàn giám sát ghi nhận nhiều lô hàng trái cây nhập khẩu không có nhãn phụ, có tiểu thương tại chợ đầu mối không xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng từ nguồn gốc hàng hóa, dù đã được kiểm tra trước khi nhập và phân phối theo quy trình, đặc biệt là hàng Trung Quốc.

Ngoài ra, công tác quản lý tại chợ đầu mối Thủ Đức còn nhiều bất cập, với tình trạng chợ tự phát buôn bán bên ngoài tái diễn và có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nguy hiểm.

Cũng theo đại diện Ban Văn hóa - Xã hội, TP rất tin tưởng về quản lý, truy xuất nguồn gốc đảm bảo bữa ăn cho người dân, trong thời gian dài chúng ta thực hiện truy xuất nguồn gốc, rất tự hào. 

Tuy nhiên, đi kiểm tra đối chứng tại 3 chợ đầu mối (chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) thì không được như thế, mọi thứ đều thông tin một chiều từ tiểu thương, cơ quan quản lý, tất cả đều rất rời rạc.

Khó xử phạt, mức xử phạt chưa đủ răn đe

Phát biểu tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Văn Khuôn, trưởng Phòng Y tế TP Thủ Đức, xác nhận công tác quản lý an toàn thực phẩm tại chợ dù được cải thiện nhưng hiện còn nhiều bất cập.

Cụ thể, việc kiểm tra xử lý các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm phía ngoài chợ đầu mối Thủ Đức gặp nhiều khó khăn. 

Các cơ sở này chủ yếu thuê mướn mặt bằng, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thường xuyên không có người đại diện theo pháp luật, không hợp tác khi đoàn kiểm tra lập biên bản. 

Hạ tầng đường sá xung quanh chợ xuống cấp, cống rãnh bị nghẹt, có những đoạn nước thải tràn ra mặt đường...

Bên cạnh đó, việc xử lý hành vi dùng chất cấm trong sơ chế, chế biến thực phẩm cũng không khả thi vì hàng hóa đa phần là rau củ quả (sả bào, rau chuối bào, rau muống bào) có thời gian lưu hành ngắn, mức xử phạt thấp không đủ răn đe.

"Thời gian từ khi lấy mẫu gửi phòng kiểm nghiệm đến khi có kết quả, lượng hàng hóa niêm phong sẽ bị hư hại, chủ lô hàng bỏ hàng chuyển nơi kinh doanh khác. Công tác lưu giữ hàng niêm phong cũng gặp khó khăn", ông Khuôn nêu khó khăn.

Gần 2.500 tấn hàng nông sản nhập về chợ đầu mối Thủ Đức mỗi đêm - Ảnh: N.TRÍ

Phát biểu kết luận, ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, trưởng đoàn khảo sát - ghi nhận và đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của Công ty cổ phần quản lý và kinh doanh chợ nông sản đầu mối Thủ Đức.

Tuy vậy, ông Bình cho rằng công tác tuyên truyền các quy định pháp luật đến tiểu thương, công tác sơ chế thực phẩm tại nguồn đã tốt nhưng cần được thực hiện tốt hơn nữa; cơ quan chức năng phải tính toán tăng cường việc lấy mẫu. 

Ngoài ra, đoàn khảo sát cũng rất lo ngại về tình trạng chợ tự phát bao vây quanh chợ, vệ sinh môi trường (nước thải, rác) tại chợ đầu mối Thủ Đức sau khi ghi nhận thực tế.

"Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và tác động rất lớn đến mặt hàng nông sản, nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm, do đó chợ và các cơ quan chức năng cần có giải pháp khắc phục sớm. Ngoài ra, phải sớm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tại chợ", ông Bình nhấn mạnh.

"Hiện 3 chợ đầu mối cung cấp đến hơn 70% lượng thực phẩm cho người dân TP, đây là một con số rất lớn. Do đó, nếu chúng ta không làm tốt công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối thì bữa ăn của 10 triệu dân TP sẽ bị đe dọa hằng ngày, tiềm ẩn rủi ro lớn", ông Nguyễn Minh Nhựt, phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, nói.

Chợ đầu mối Thủ Đức có 1.424 ô vựa và 945 thương nhân, bình quân mỗi đêm có khoảng 2.494 tấn hàng nhập chợ. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng lượng hàng nhập chợ là 531.233 tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Về vấn đề vệ sinh môi trường, chợ đã vận động không cho sơ chế hàng hóa trong nhà lồng chợ, hạn chế lượng rác thải đến 40%.

Từ đầu năm đến nay, Đội 2 - Sở An toàn thực phẩm TP đã lấy mẫu 6 mẫu rau và 4 mẫu trái cây gửi kiểm nghiệm. Kết quả các mẫu đạt yêu cầu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong mức giới hạn cho phép.

(nguồn: tuoitre.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

bia-kndn

hoa-moc-thien

moc-beauty

miss-charm

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp