top-banner-miss-charm-2023

Quảng cáo Thứ năm, 19/02/2015, 12:19 GMT+7
Năm mới là một sự kiện tồi tệ nhưng Tết thì không

“Năm mới giống như cái chết của con thú cưng. Bạn biết nó rồi sẽ đến, nhưng dù thế, bạn chưa bao giờ thực sự sẵn sàng cho điều tồi tệ đó.” – John Oliver.

 

 John Oliver, nhà hài kịch nổi tiếng người Anh, đã nói như vậy trước thềm giao thừa 2015. Hãy nghe ông lý giải: “Giao thừa là sự kiện tồi tệ nhất. Nó là sự kết hợp của ba điều chán ngán nhất nhân loại: phải miễn cưỡng thân ái với những kẻ xa lạ; bạn say xỉn, lạnh buốt và mệt mỏi; và còn phải nhìn chằm chằm vào Ryan Seacrest trong suốt năm phút đằng đẵng, để chờ anh ta nói cho bạn biết bây giờ là mấy giờ.” Nhiều người đã đồng tình với ông. Trên mạng xã hội, có hẳn hashtag #ihatenewyears để thể hiện sự chán ngán năm mới. Tôi phần nào cũng đồng ý nhưng với tôi: giai đoạn chuyển giao sang năm mới còn nhiều cái tồi tệ hơn.

John Oliver chỉ nói tới đêm giao thừa, còn tôi có cả hàng tuần dài. Điều ngán nhất là tôi phải thay đổi nhịp sống hàng ngày của mình. Suốt cả ngày phải tất bật chuẩn bị, thậm chí là “phải” đi chơi (những cuộc gặp gỡ không nhiều hứng thú), tôi chỉ ước ao được về phòng riêng đọc sách. Nhưng cái lề thói nó vẫn vậy. Không thể suốt ngày cáo ốm, mà nhiều cuộc gặp mặt tôi thấy sao như cuộc phô diễn, khiến tôi từ khỏe thành ốm thật.

Ở độ tuổi lỡ ngỡ như thế này, mỗi dịp năm mới tết đến, tôi lại phải đối phó với hàng trăm câu hỏi… đã được nghe từ năm ngoái. Lúc nào cũng là chuyện kết hôn, sự nghiệp, tiền tài… Người có đôi khi cũng chỉ muốn mua chuyện, vài người tọc mạch đá xéo, nhưng nói chung, việc phải nghe mãi như thế khiến tôi ngao ngán vô cùng. Cá nhân tôi cũng có những dự định tích cực cho năm mới nhưng khi nghe người khác giáo huấn, tôi lại đâm nản và muốn chống đối. Hẳn nhiều bạn cũng ở trong tâm trạng của tôi.

Vì cảm thấy áp lực vào trước Tết nên năm ngoái tôi đã ở lại Sài Gòn, thử một lần ăn tết xa nhà. Kết quả là: năm nay tôi phải đặt vé sớm để về nhà ăn Tết.

Năm ngoái tôi đã có một giao thừa đúng như John Oliver nói. Tôi được nằm dài làm gì thì làm, sắp sang năm mới thì ra đường xem pháo hoa và hò hét. Tưởng chừng nhẹ nhõm nhưng hóa ra còn hơn thế: tôi thấy rỗng tuếch. À, thế là chẳng còn gì để làm ngoài việc lên giường ngủ!

Lúc ấy, tôi mới thấy thân thương cái chữ “Tết”. “Tết”, danh từ riêng của Việt Nam, là điều khác hẳn so với khái niệm đón năm mới kia. Nói như nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, thì Việt Nam có một văn hóa khác biệt với các quốc gia khác: văn hóa làng xã. Cái văn hóa này bị nhiều người chế giễu như cái gì đó cổ hủ, tủn mủn, “đàn bà”. Nhưng tới giờ, tôi mới thấy nó ấm áp thế nào. Với tôi, giờ việc về nhà đón Tết cũng như Antaeus trở về với đất mẹ Gaia. Nó khiến tôi thêm mạnh mẽ.

Tết chẳng phải là một cột mốc gì quan trọng quá (Tôi không thích cột mốc. Nó khiến tôi thấy mình già đi). Tết đơn giản là một dịp để xum họp thân ái, để lấy thêm tinh thần “chiến đấu” với cả năm dài phía trước.

Hôm nay là ngày cuối của năm cũ theo lịch ta, tôi lại hòa mình vào “văn hóa làng xã”. Tôi lại cà kê với những người đã cũ mặt, lại làm những món ăn truyền thống, lại nghe mẹ tôi “vừa đấm vừa xoa” đủ các chuyện nhỏ to. Nhưng khác với trước, bây giờ tôi thấy những việc này thật vui vẻ. Đấy có thể là cái gì đó nhàn nhạt, tưởng chừng tẻ nhạt, nhưng hóa ra có sức mạnh to lớn, cũng giống như cơm gạo: tuy chẳng phải cao lương mỹ vị gì nhưng sao thân thiết, sao cần thiết cho đời!

Theo Mann (Depplus.vn/MASK)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2024

moc-beauty

hoa-moc-thien

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp